300.000+

Xét nghiệm HIV

Hơn 300.000 người sử dụng dịch vụ xét nghiệm & tự xét nghiệm HIV tại cộng đồng

81.000+

Sử dụng PrEP

Hơn 81.000 người đã & đang sử dụng biện pháp dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP)

)
Fanpage
Xóm cầu vồng

Trang dành cho cộng đồng đồng tính nam lớn nhất tại Việt Nam

Tham gia ngay a
Fanpage
cô nàng gợi cảm

Trang thông tin và chia sẻ hướng đến cộng đồng chuyển giới nữ cùng các thông tin cổ vũ phong trào LGBT

Ghé thăm ngay a
Fanpage
PrEP4U

Trang chiến dịch PrEP4U - PrEP cùng bạn! dành cho nhóm đối tượng học sinh, sinh viên

Tham gia ngay a

THÔNG TIN NỔI BẬT

Tái nhiễm giang mai khi quan hệ đồng giới

Tái nhiễm giang mai khi quan hệ đồng giới

(VNExpress) Quan hệ với nhiều bạn tình, không dùng biện pháp an toàn, không nắm rõ tình trạng sức khỏe đối phương khiến nhiều người đồng tính nam tái nhiễm giang mai nhiều lần.

Giang mai là bệnh nhiễm trùng do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Ngày 10/4, tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, phụ trách chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết người đã nhiễm bệnh và điều trị khỏi cũng không giúp cơ thể tạo ra kháng thể (đáp ứng miễn dịch) đủ mạnh để chống lại xoắn khuẩn trong lần xâm nhập tiếp theo, dẫn đến tái nhiễm. Một người có thể tái nhiễm giang mai nhiều lần.

Nhóm bị tái nhiễm nhiều lần là những người thường xuyên quan hệ tình dục không an toàn, nhiều bạn tình, dùng chung các dụng cụ như cắt móng, dao cạo… Trong quá trình khám chữa bệnh, các bác sĩ ghi nhận số ca tái nhiễm ở nam nhiều hơn nữ, phần lớn là nhóm quan hệ đồng giới nam.

Trong một tháng qua, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM điều trị cho 5 trường hợp tái nhiễm giang mai ở người đồng giới, nhiều bệnh nhân tái nhiễm 3, 4 lần.

Như anh Dũng, 42 tuổi, đồng tính nam, phát hiện nốt loét ở miệng nên cùng bạn tình hiện tại tới Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. Kết quả xét nghiệm huyết thanh cho thấy cả hai dương tính với giang mai. Đây là lần thứ 4 anh Dũng tái nhiễm bệnh trong 15 năm qua.

BS.CKI Quách Thị Bích Vân, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, cho biết anh Dũng và bạn mắc bệnh giang mai giai đoạn muộn. Cả hai được tiêm ba mũi kháng sinh, mỗi mũi cách nhau một tuần. Bác sĩ khuyến cáo anh thông báo cho tất cả người từng quan hệ để họ chủ động đi khám, tránh lây lan bệnh trong cộng đồng hoặc điều trị muộn khiến biến chứng nặng.

Tương tự, anh Linh, 31 tuổi, điều trị khỏi giang mai năm 2021. 8 tháng trước, anh quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su vì bạn tình khẳng định bản thân khỏe mạnh, không mắc bệnh. Gần đây, anh nổi sẩn ban tróc vảy kèm ngứa vùng lưng, ngực, bụng; da dày sừng ở tay chân.

Bác sĩ Ngọc Bích chẩn đoán anh Linh tái nhiễm giang mai giai đoạn sớm, tức mắc bệnh dưới một năm, đồng mắc viêm da. Anh được tiêm một mũi kháng sinh theo phác đồ điều trị giang mai, dùng thuốc uống và bôi chữa viêm da. Bác sĩ tư vấn anh Linh đưa bạn tình đến bệnh viện khám nhằm can thiệp sớm nếu mắc bệnh.

Tái khám sau một tháng, anh Linh khỏi viêm da nhưng chưa âm tính với giang mai. Anh cần tái khám, xét nghiệm máu ở các mốc ba tháng, 6 tháng, 12 tháng để theo dõi đáp ứng điều trị. Thông thường, bệnh sẽ khỏi sau ba tháng.

Bác sĩ Vân cho biết hiện chưa có thống kê về tỷ lệ tái nhiễm giang mai ở Việt Nam cũng như thế giới. Có nhiều nguyên nhân khiến nhóm quan hệ đồng giới nam dễ tái nhiễm bệnh như không biết rõ tình trạng sức khỏe của bạn tình, quan hệ theo nhóm, có nhiều bạn tình cùng lúc, sử dụng chung đồ chơi tình dục, quan hệ đường miệng, hậu môn…

Lớp niêm mạc hậu môn và trực tràng rất mỏng, không tiết ra chất bôi trơn giống như niêm mạc âm đạo ở nữ giới. Nếu quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su và chất bôi trơn mà dùng chất kích thích, họ rất dễ mất kiểm soát hành vi, có thể gây tổn thương niêm mạc trực tràng và khiến xoắn khuẩn xâm nhập vào cơ thể dễ hơn.

Nhóm quan hệ đồng giới nam dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) khác như HIV, lậu, sùi mào gà… Một số trường hợp quá tin tưởng đối phương hoặc không biết rõ về bạn tình, nhất là tình trạng sức khỏe. Trong khi đó, bạn tình của họ có thể mang nhiều nguy cơ chồng chéo, như đang mắc các bệnh truyền nhiễm khác, có quan hệ cả nam và nữ, thường xuyên thay đổi bạn tình, sử dụng ma túy… khiến nguy cơ mắc giang mai càng cao.

Ngoài ra, giang mai còn lây truyền trực tiếp qua đường máu khi dùng chung dụng cụ tiêm chích; truyền từ mẹ sang con; hoặc lây gián tiếp khi dùng chung dụng cụ làm móng, dao cạo lông hoặc tóc, dụng cụ y tế không được sát khuẩn… Người lành có vết trầy xước tiếp xúc với các vật dụng có dính dịch tiết, máu, mủ của người bệnh, xoắn khuẩn giang mai có thể xâm nhập vào máu.

Các triệu chứng bệnh, nguồn lây nhiễm, phác đồ điều trị giang mai tái nhiễm giống như lần mắc đầu. Tuy nhiên, nếu người bệnh không có triệu chứng, không phát hiện và điều trị sớm, bệnh có nguy cơ lây lan âm thầm trong cộng đồng và diễn tiến nặng thành các biến chứng tim mạch, thần kinh.

Lần đầu biết mắc giang mai, người bệnh thường sốc, hoảng loạn, bối rối tìm nguyên nhân và đường lây bệnh của mình. Tuy nhiên, các ca tái nhiễm khi tới viện khám đã nghi ngờ từ trước, nhiều người chủ động đề nghị bác sĩ làm xét nghiệm giang mai. Người bệnh cũng giữ tâm lý ổn định, dễ chấp nhận tình trạng bệnh và tuân thủ điều trị ngay, theo bác sĩ Bích.

Bác sĩ Bích lưu ý bất kỳ giới tính, độ tuổi hay khuynh hướng tình dục nào đều có thể mắc giang mai và STI. Người có những dấu hiệu như nổi hồng ban nhạt như màu hoa đào, hồng ban tróc vảy ở lòng bàn tay, bàn chân hoặc bất kỳ vị trí nào trên cơ thể nhưng không đau hay ngứa, xuất hiện vài ngày rồi tự biến mất; có vết loét không đau kích thước 2-4 cm ở niêm mạc miệng, bộ phận sinh dục; rụng tóc, sốt, đau họng, nhức mỏi toàn thân… cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị. Người có yếu tố nguy cơ lây nhiễm bệnh nên chủ động đi khám sớm.

Trong thời gian điều trị giang mai, chưa có kết quả xét nghiệm âm tính, người bệnh nên kiêng quan hệ tình dục và các hành vi có nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Theo VNExpress

Danh mục nghề phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng

Danh mục nghề phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng

(Chinhphu.vn) – Cho tôi hỏi: Ngành nghề nào quy định phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng? (một bạn đọc hỏi).

Trả lời:

Danh mục nghề phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng

Theo Khoản 1, 3 Điều 20 Nghị định 108/2007/NĐ-CP thì những ngành nghề sau phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng”

– Thành viên tổ lái theo quy định tại Điều 72 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam;

Thành viên tổ lái là người thực hiện nhiệm vụ điều khiển tàu bay, bao gồm lái chính, lái phụ và nhân viên hàng không khác phù hợp với loại tàu bay.

– Nghề đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng.

Căn cứ vào diễn biến của dịch HIV/AIDS trong từng thời kỳ cụ thể, Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng, thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ quyết định sửa đổi, bổ sung danh mục một số nghề phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng.

Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi đã tuyển dụng mà phát hiện người lao động nhiễm HIV

Theo Khoản 2 Điều 20 Nghị định 108/2007/NĐ-CP:

Khi đã tuyển dụng mà phát hiện người lao động nhiễm HIV, người sử dụng lao động phải thực hiện đúng các quy định tại Điều 14 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006, cụ thể:

– Người sử dụng lao động có các trách nhiệm sau đây:

+ Tổ chức việc tuyên truyền, giáo dục các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV trong cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân;

+ Bố trí công việc phù hợp với sức khỏe và trình độ chuyên môn của người lao động nhiễm HIV;

+ Tạo điều kiện cho người lao động tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS;

+ Các trách nhiệm khác về phòng, chống HIV/AIDS theo quy định của pháp luật.

– Người sử dụng lao động không được có các hành vi sau đây:

+ Chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc gây khó khăn trong quá trình làm việc của người lao động vì lý do người lao động nhiễm HIV;

+ Ép buộc người lao động còn đủ sức khỏe chuyển công việc mà họ đang đảm nhiệm vì lý do người lao động nhiễm HIV;

+ Từ chối nâng lương, đề bạt hoặc không bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động vì lý do người lao động nhiễm HIV;

+ Yêu cầu xét nghiệm HIV hoặc xuất trình kết quả xét nghiệm HIV đối với người dự tuyển lao động, từ chối tuyển dụng vì lý do người dự tuyển lao động nhiễm HIV, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 28 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006.

Quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV

Quyền của người nhiễm HIV

Người nhiễm HIV có các quyền sau đây:

– Sống hòa nhập với cộng đồng và xã hội;

– Được điều trị và chăm sóc sức khoẻ;

– Học văn hoá, học nghề, làm việc;

– Được giữ bí mật riêng tư liên quan đến HIV/AIDS;

– Từ chối khám bệnh, chữa bệnh khi đang điều trị bệnh AIDS trong giai đoạn cuối;

– Các quyền khác theo quy định của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

(Khoản 1 Điều 4 Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) năm 2006)

Nghĩa vụ của người nhiễm HIV

Người nhiễm HIV có các nghĩa vụ sau đây:

– Thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm HIV sang người khác;

– Thông báo kịp thời kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng, người dự định kết hôn, người chung sống như vợ chồng với mình;

– Thực hiện các quy định về điều trị khi tham gia điều trị bằng thuốc kháng HIV;

– Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

(Khoản 2 Điều 4 Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) năm 2006, được sửa đổi năm 2020).

Theo Tiếng Chuông Chính Phủ

Tiêm tế bào máu làm đẹp, 3 phụ nữ Mỹ bị nhiễm HIV

Tiêm tế bào máu làm đẹp, 3 phụ nữ Mỹ bị nhiễm HIV

(NBC News) Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ ghi nhận ba phụ nữ nhiễm HIV sau khi tiêm tế bào máu để xóa nhăn, căng da mặt.

Thông tin được CDC Mỹ nêu trong một cuộc họp hôm 26/4. Phương pháp họ sử dụng gọi là trẻ hóa da Vampire Facelift, tức là sử dụng huyết tương trong tế bào máu để làm đẹp.

Trường hợp đầu tiên ghi nhận tại VIP Spa ở Albuquerque, Mexico, vào năm 2018. Bệnh nhân cho biết cô không tiêm chích ma túy, truyền máu hoặc quan hệ tình dục với người nhiễm HIV, song đã sử dụng phương pháp tiêm tế bào máu. Vụ việc khiến Bộ Y tế New Mexico phải xét nghiệm miễn phí cho bất kỳ ai tiêm thuốc ở cơ sở này. Vào thời điểm đó, Bộ cho biết spa đã đóng cửa. Nhà điều tra xác định “dịch vụ của cơ sở có khả năng làm lây lan bệnh nhiễm trùng qua đường máu”.

Hai trường hợp phát hiện mới đây cũng chăm sóc da mặt theo phương pháp tiêm tế bào máu Vampire Facelift tại VIP Spa năm 2018. Một người được chẩn đoán nhiễm HIV giai đoạn sớm năm 2019, người còn lại bị bệnh năm 2023, nhập viện với các triệu chứng nghiêm trọng.

CDC Mỹ cho biết VIP Spa không có giấy phép hoạt động, không áp dụng các biện pháp an toàn thích hợp. Cuộc điều tra chung của CDC và Sở Y tế New Mexico đã tìm thấy giá đựng ống máu không nhãn mác trên quầy bếp, trong tủ lạnh nhà bếp, bên cạnh các loại thực phẩm và thuốc tiêm ở spa. Các điều tra viên cũng phát hiện ống tiêm không được bọc nilon, để trong ngăn kéo, trên quầy và trong thùng rác.

Năm 2022, chủ spa đã nhận 5 tội danh nghiêm trọng về y tế và bị kết án 3,5 năm tù. CDC và các điều tra viên cuối cùng xác định 59 khách hàng có thể đã phơi nhiễm HIV. Trong số đó, 20 người từng sử dụng liệu pháp tiêm tế bào máu Vampire Facelift.

Vampire Facelift là phương pháp cấy vi điểm huyết tương giàu tiểu cầu vào da mặt. Các chuyên gia sẽ tách huyết tương từ máu và tiêm vào da mặt bằng kim nhỏ. Phương pháp được quảng cáo là làm đầy làn da chảy xệ, giảm sự xuất hiện của sẹo mụn hoặc nếp nhăn. Một số cơ sở sử dụng máu tự thân của khách hàng để giảm khả năng phơi nhiễm, song một số nơi dùng nguồn máu và huyết tương bên ngoài. Theo Học viện Da liễu Mỹ, có rất ít bằng chứng cho thấy phương pháp này hiệu quả. Tuy nhiên, liệu pháp an toàn nếu máu được xử lý đúng cách.

HIV lây truyền qua tiếp xúc chất dịch cơ thể người nhiễm bệnh, cụ thể là máu và tinh dịch. HIV tấn công hệ miễn dịch, nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn tới AIDS, gây tử vong.

Theo CDC, các cơ sở spa cung cấp dịch vụ tiêm thẩm mỹ nên có biện pháp kiểm soát nhiễm trùng thích hợp để ngăn ngừa lây truyền HIV và các mầm bệnh truyền nhiễm qua đường máu.

Theo VNExpress

Scroll to top